Mình là một Maketer tay ngang 100%, một minh chứng sống để trả lời câu hỏi “Học trái ngành làm marketing được không?” nè.
Mình đã chuyển sang Marketing được gần 3 năm, cũng chưa có thành tựu gì nổi trội, chỉ là chịu toàn bộ trách nhiệm và hoạt động Marketing tại một công ty nho nhỏ. Mình cũng chưa từng làm Agency, chưa từng đi Pitch, chưa từng bị Deadline dí rồi nghe câu “Ủa em…” ám ảnh như nhiều bạn trong ngành, nhưng cũng đã có cơ hội làm việc với các bạn khá nhiều lần. Dù sao thì mình vẫn tự tin trả lời rằng: Mình đã đang là một Marketer, làm nghề Marketing thực thụ, dù vẫn đang trên hành trình học hỏi và hoàn thiện mỗi ngày.
Dù trước đó bạn từng học ngành gì, làm nghề gì thì vẫn có thể làm Marketing được, miễn là bạn quyết tâm và không bỏ cuộc. Bởi Marketing xuất phát từ chính cuộc sống, là một ngành nghề ngoài những yêu cầu về kỹ thuật thì tư duy và sự trải nghiệm luôn là một điểm cộng.
Một người trẻ có thể học và vận dụng rất nhanh cách sử dụng các công cụ. Nhưng một người có sự trải nghiệm qua nhiều ngành nghề, có tư duy ứng dụng những chất liệu cuộc sống thì có thể lại là ưu thế để phát triển hơn với Marketing. Học trái ngành làm marketing biết đâu lại là cơ hội để tìm ra con đường lý tưởng nhất dành cho mình thì sao?
Học trái ngành làm marketing thì có thể làm gì?
Marketing có rất nhiều mảng khác nhau, mỗi mảng sẽ có yêu cầu khác nhau mà nếu muốn chuyên sâu thì chỉ cần học và làm một mảng thôi cũng đã là cả một đại dương kiến thức, cũng như cơ hội việc làm dành cho bạn.
Bạn có thể lựa chọn mảng Marketing mà bạn cảm thấy mình đã có sẵn một chút kỹ năng trong mảng đó. Hoặc bạn cũng có thể lựa chọn bằng cách xem đó có phải mảng phù hợp với tính cách và con người bạn hay không.
Mình xin gợi ý một số mảng Marketing cho dân trái ngành như sau:
Content Marketing
Tại sao mình để vị trí này ở đầu danh sách? Vì Marketing sẽ không có giá trị gì nếu không có content. Content is King. Content is Heart of Marketing. Và nếu bạn chưa biết làm gì với Marketing thì hãy bắt đầu bằng Content.
Trong Content Marketing cũng chia ra nhiều mảng nhỏ hơn theo kênh như Facebook Content, Website Content, Youtube Content, Tiktok Content…. Hoặc có thể chia theo mục tiêu hướng đến như Viral Content, Sale Content, PR Content, Script Content….
Nhắc đến Content thường chúng ta nghĩ ngay đến nội dung chữ, content chắc chỉ cần viết, viết và viết thôi đúng không? Nhưng không hẳn, content là bao gồm tất cả nội dung nằm trong một chiến dịch, một chương trình. Nó sẽ bao gồm cả phần chữ, phần hình, phần tiếng…. Tùy theo loại Content Marketing mà sẽ yêu cầu nhiều hơn về yếu tố nào. Nếu là một Agency, hoặc một Client có phòng Marketing lớn thì có thể sẽ có nhiều bộ phận hỗ trợ như Designer, Editor chịu trách nhiệm các phần hình, phần tiếng, việc của bạn sẽ chỉ cần lên ý tưởng và trình bày nó thành nội dung để người đọc/xem/nghe hiểu được thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.
Content Marketing là lựa chọn hàng đầu cho dân Marketing trái ngành, mới bước chân vào nghề Marketing, chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng. Đừng lo lắng Content cần khả năng viết lách như học sinh giỏi văn, mà quan trọng là tư duy tổng hợp, cách phân tích vấn đề, có thể lên ý tưởng cùng một số công cụ hỗ trợ như làm Website content thì cần phân tích từ khóa và kỹ thuật SEO, làm Facebook content thì cần nắm được các từ ngữ, hình ảnh VPCS để bài không bị bay màu….
Digital Marketing
Như mình đã viết trong bài Kênh Digital Marketing nào hiệu quả nhất? thì đây là một vị trí khá quan trọng và gần như là cần thiết ở tất cả các Agency, Client, trong mọi ngành nghề và lĩnh vực. Nếu Marketing không thể thiếu Content, thì Content lại không thể thiếu các kênh Digital để lan tỏa nó đến khách hàng của mình. Không thể phủ nhận rằng các hình thức như báo giấy, biển quảng cáo, standee, poster, tờ rơi vẫn chiếm vị trí quan trọng trong Marketing. Tuy nhiên với thời đại 4.0, khi mà mọi thứ đều ở trên Internet, cần gì người ta cũng lên Internet tìm chứ không phải đi mua báo, banner quảng cáo cũng dễ đập vào mắt người ta khi lướt Internet hơn là việc để ý nó ở ngoài đường. Thì Digital Marketing là một vị trí rất quan trọng.
Vì vậy mà đây cũng là vị trí được săn đón khá nhiều, nếu kỹ năng của bạn tốt khi làm chủ được các thuật toán của các kênh Digital Marketing để content có thể đạt hiệu quả tốt nhất thì mức lương cho vị trí này không hề thấp. Tuy nhiên bởi vì liên quan đến kỹ thuật nhiều nên việc học hỏi, tìm hiểu và không ngừng cập nhật rất cần sự Nghiêm túc và kiên trì. Nếu muốn làm Marketing trái ngành với Digital thì có thể chỉ cần học qua một khóa học đã có thể làm Marketing trên các kênh như Facebook, Instagram hay Website. Tuy nhiên bạn phải làm thật nhiều, rút kinh nghiệm thật nhiều mới có thể thành thạo được.
Brand Marketing
Dân Marketing trái ngành có lẽ sẽ thấy Brand Marketing là phải đao to búa lớn như khi bạn thấy các chiến dịch của các thương hiệu lớn, họ hiện diện khắp nơi, tài trợ khắp trốn, quảng cáo toàn khung giờ vàng, blabla…. Nhưng thực chất thì đó là các hoạt động Branding. Brand Marketing là các công việc lên ý tưởng, tạo bộ nhận diện thương hiệu bao gồm Logo, Slogan…. Tạo ra các nội dung về giá trị cốt lõi, sứ mệnh, tầm nhìn,…. Và là cấu nối giữa thương hiệu và khách hàng, thúc đẩy hình thành tình cảm, tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu. Cái này giống như việc chăm sóc khách hàng, người làm thương hiệu cần nắm được khách hàng đang nói gì về mình, hài lòng hay phàn nàn, yêu thích hay tẩy chay… để từ đó có giải pháp để giải quyết và thỏa mãn được khách hàng đồng thời bảo vệ và phát triển thương hiệu.
Vì vậy đây cũng là một vị trí rất có tiềm năng. Có một số Agency chuyên môn về Brand. Tại Client thì sẽ có một bộ phận riêng nếu là công ty lớn.
Market Research
Đây là một vị trí mà bạn cũng nên cân nhắc nếu có sở thích “đi” và “thử”. Chắc chắn rồi, nghiên cứu thị trường thì không thể ngồi nhà gõ phím ra số liệu được. Bạn phải đi tham khảo thị trường từ việc đối thủ trong cùng khu vực hoạt động ra sao, mình có khả năng cạnh tranh hay không; đến việc khách hàng có nhu cầu về sản phẩm mình cung cấp hay không, market size có đủ rộng và mình có đủ năng lực đáp ứng hay không…. Ở vị trí Market Research bạn có thể sẽ phải “đóng vai” nhiều vị trí khác trong cuộc sống để có thể thâm nhập thị trường một cách sâu sát và có thông tin một cách chân thực nhất. Không có gì phải xấu hổ về việc đó vì đó thực sự là một kỹ năng quan trọng mà không phải ai cũng có.
Bất cứ công ty nào mới thành lập hoặc có ý định thành lập cũng đều phải nghiên cứu thị trường. Nhưng nghiên cứu thị trường không chỉ dừng lại ở giai đoạn ban đầu mà nó cần xuyên suốt trong quá trình hoạt động kinh doanh. Bởi vì thị trường luôn biến động, số liệu của tháng trước có thể đã không còn đúng ở thời điểm hiện tại. Thậm chí các công ty phải bỏ rất nhiều tiền để chi trả cho các công ty Agency chuyên về nghiên cứu thị trường để thay họ làm việc đó. Bởi đây không phải là một việc đơn giản, số liệu luôn cần mới nhất, thực tế nhất. Vì vậy, đây là một vị trí rất có giá trị và lộ trình thăng tiến cũng khá rõ ràng.
Data Analytics
Nếu bạn có sở trường về phân tích và đọc bảng biểu, số liệu, con số thì vị trí này dành cho bạn. Data Analytics là câu trả lời cho câu hỏi “Chiến dịch Marketing có hiệu quả hay không?”. Việc đọc, hiểu và phân tích đúng Data Analytics sẽ giúp tìm ra vấn đề khiến cho một chiến dịch không đạt mục tiêu, hoặc từ đó cũng biết được xu hướng thị trường và khách hàng như thế nào để điều chỉnh chiến lược hoạt động kinh doanh.
Vị trí này có liên quan mật thiết với vị trí Digital Marketing vì các dữ liệu cũng được lấy từ các kênh này mà ra nên đôi khi Digital Marketing sẽ chịu trách nhiệm làm Data Analytics. Tuy nhiên đây là một việc yêu cầu kỹ thuật và am hiểu về số liệu cao, đôi việc chúng ta đọc các số liệu từ báo cáo của các chiến dịch một cách đơn thuần chứ không nắm được hết mấu chốt của vấn đề.
Ngoài Marketing thì rất nhiều ngành nghề khác cũng cần vị trí Data Analytics này. Vì bất cứ ngành nghề nào hoạt động cũng có số liệu và việc phân tích được các số liệu đó sẽ là chìa khóa để cải tiến, phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình hơn nữa, đáp ứng nhu cầu của thị trường và khách hàng.
Full-stack
Giống như mình nè. Mình không chỉ là một người học trái ngành làm marketing, mình còn đã mất hơn 4 năm làm một công việc hoàn toàn không liên quan. Nhưng rồi mình đã tìm thấy công việc thực sự phù hợp với mình.
Mình làm tại Client – một startup nhỏ xíu, doanh thu mỗi năm chỉ 9 con số và thực sự là nơi “học việc” tuyệt vời đối với mình. Mình có một môi trường cho phép thử, cho phép được sai, cho phép làm lại đến bao giờ đúng, miễn là trong ngân sách. Mà ngân sách của doanh nghiệp nhỏ thì cũng nhỏ xíu. Vậy nên mình vừa được học việc, làm việc, và biết cách cân đối ngân sách từ những ngày đầu tiên. Để chỉ với từ 5 – 10 – 15 triệu đồng/tháng mình vừa có thể làm Brand Marketing, vừa có thể Product Marketing cho công ty. Mang về data cho Sale chăm sóc và chốt đơn. Làm từ A đến Á mọi hoạt động liên quan đến Marketing giống như vừa làm sếp vừa làm culi vậy đó. Cực nhưng học được nhiều thứ, biết nhiều thứ, là cơ hội để cho mình phát triển lên vị trí Marketing Manager thay vì chỉ Specialist một mảng nào đó.
Tất nhiên làm Full stack như mình thì kỹ thuật, độ giỏi không bao giờ có thể bằng các bạn làm chuyên biệt về một mảng được. Nhưng cái điểm mạnh của mình là có thể bao quát, lên kế hoạch hoạt động và từ đó kiểm soát được công việc của chính mình.
Một điểm trừ nữa của vị trí Full stack này là thường bạn phải tự bơi chứ không có người hướng dẫn – Mentor – một điều mà ai đi làm cũng đều mong có được. Sếp mình không có base Marketing, làm Tài chính nhưng nói chung cái đầu óc Tiến sĩ thì người ta nhạy với mọi thứ. Không chỉ mình được chi tiết nhưng luôn là người đưa ra cho mình những hướng đi khác, góc nhìn khác để mình tự nhận ra vấn đề mà hành động.
Nếu có cơ hội làm vị trí này thì hãy cố gắng nhé, hơi cực thời gian đầu nhưng kiên trì rồi sẽ gặt hái quả ngọt thôi!
Dân trái ngành bắt đầu với Marketing như thế nào?
Câu trả lời duy nhất, đó là học.
Bạn có thể vừa học vừa làm nhưng muốn làm được thì trước hết vẫn phải biết mình sẽ làm gì đã. Đã mất 4-5 năm học đại học ở một ngành khác giờ lại phải học tiếp ư? Nghe oải nhỉ? Thật ra cánh cổng đại học là nơi bạn đi vào như một thử thách và đi ra như một bộ lọc, chứ không phải là một công cụ hoàn hảo để đảm bảo bạn không thất nghiệp. Học đại học xong, tức bạn đã đứng vào hàng ngũ trí thức, dù theo cách hiểu nào đi nữa. Vì là người đã có tri thức và nền tảng thì sau đó bạn có thể học thêm bất cứ ngành nghề nào.
Marketing cũng vậy, bạn chỉ cần dành thời gian đọc sách để nắm được các nguyên lý Marketing căn bản, sau đó học các khóa học về kỹ thuật, cách thức, nắm bắt được tư duy của ngành, follow các chuyên gia trong ngành và tham gia vào các cộng đồng về Marketing để học hỏi từ chính những người đi trước. Rồi sau đó bạn cứ vừa học vừa làm là được. Bởi ngành nghề nào cũng vậy, quan trọng là thực chiến và kinh nghiệm. Dù bạn không phải người học trái ngành làm marketing, nhưng nếu chỉ có lý thuyết mà không thực hành thì bạn cũng chỉ là một tay mơ mà thôi.
Một số đầu sách căn bản người học trái ngành làm Marketing cần phải đọc:
Tất nhiên, nguyên lý cơ bản là điều cần thiết phải có. Vì chúng ta học trái ngành làm Marketing nên không được học kiến thức căn bản trong trường, vì vậy cần phải bổ sung bằng cách đọc các đầu sách về Marketing căn bản. Sau đó, hãy tìm đến các khóa học căn bản khác để vừa có kiến thức “động” hơn kiến thức trong sách, vừa để có chứng chỉ – thứ sẽ thay cho số năm kinh nghiệm khi bạn muốn nộp CV thử việc, học việc. Đồng thời, hãy tìm kiếm những người đã thành công trong ngành, follow họ trên các mạng xã hội, hoặc tìm kiếm Blog của họ để học hỏi thêm. Những cái họ chia sẻ thường là những kinh nghiệm rất thực tế, có thể khác với những gì bạn đọc trong sách, nhưng là hữu ích cho bạn trong quá trình làm việc sau này.
Nguyên lý tiếp thị (Philip Kotler)
Thấu hiểu tiếp thị A-Z (Philip Kotler)
Tiếp thị 4.0 (Philip Kotler)
Marketing Căn bản – Marketing 101 (Don Sexton)
22 Quy luật bất biến trong Marketing (Al Ries – Jack Trout)
Một số khóa học, nơi học cơ bản mà người học trái ngành làm marketing có thể tham khảo:
Một số khóa mất phí một số thì free nên để thử thì cứ học free trước, sau đó cảm thấy phù hợp thì xuống tiền sau cũng chưa muộn nhé! Nhưng kinh nghiệm của mình thì cứ cái gì đầu tư vào kiến thức thì chẳng bao giờ “lỗ” cả. Cứ mạnh dạn lên, bước đầu tiên mà chưa làm được thì bạn sẽ đi những bước tiếp theo như thế nào?
Ban đầu có thể chưa định hình được mình sẽ phù hợp với mảng nào thì hãy học các khóa kiến thức chung trước, sau đó trong quá trình vừa học vừa tìm hiểu về các mảng cụ thể để xem mình hứng thú và có khả năng với mảng nào. Từ đó học các khóa chuyên sâu về mảng mà mình đã chọn. Dù là người chuyên ngành hay người học trái ngành làm marketing thì việc học các khóa học này đều rất hữu ích, vì nó là những kiến thức quốc tế và có tính ứng dụng khá cao.
- Google Digital Garage: Miễn phí 100%, bạn có thể học từng khóa nhỏ, hoặc học nguyên khóa Fundamental để lấy chứng chỉ nhìn cũng khá xịn xò từ Google.
- Coursera: Rất nhiều khóa học xịn từ những nhà cung cấp như Facebook, Google và các trường Đại học nổi tiếng. Vì thế Cerfitication cũng rất có giá trị. Tuy nhiên mình phải đóng học phí theo tháng. Tùy gói và được dùng thử trong 7 ngày free, tức trong 7 ngày này bạn hoàn toàn có thể học bất cứ khóa học mà không phải đóng học phí. Sau 7 ngày nếu muốn học tiếp thì chấp nhận thanh toán là được.
- Udemy: Mình rất thích học ở Udemy, lý do thỉnh thoảng có các khóa được khuyến mãi đến 80%, chỉ từ 14$/khóa chất lượng và có Certification. Có nhiều khóa học chuyên sâu về một ngách nhỏ hơn là kiến thức rộng như Coursera.
- Linkedin: Tương tự như Coursera thì Linkedin cũng đóng học phí theo tháng, hoặc năm sẽ tiết kiệm được khá nhiều. Nhưng điểm cộng là bạn có 1 tháng đầu tiên free nên thoải mái học luôn nhé. Ngoài ra Linkedin cũng là một kênh mạng xã hội dành cho việc tuyển dụng và ứng tuyển nên hãy tham gia và tạo cho mình một chiếc CV xịn nhé!
Một số chuyên gia người học trái ngành làm marketing nên follow:
Đây là các chuyên gia đối với mình, mình theo dõi từ những ngày đầu vào ngành, có những bạn gần đây mới phát hiện ra và thấy thực sự quá giỏi để mình phải học theo để làm. Còn rất nhiều các chuyên gia khác nữa, cái này tùy vào style và guu của bạn thôi.
- Phùng Thái Học (chuyên gia Content): https://www.facebook.com/phungthaihoc
- Nguyễn Đức Sơn (chuyên gia Brand): https://www.facebook.com/ducson71
- Mai Xuân Đạt (chuyên gia SEO, OKRs): https://www.facebook.com/MaiXuanDat
- Donie Chu (chuyên gia Digital): https://www.facebook.com/donniechublog
- Hiếu Orion (chuyên gia viral): https://www.facebook.com/Hieu0rion
- Nhung Phung (chuyên gia MMO): https://www.facebook.com/phuot.vivu.35
- Ly N Phan (chuyên gia social media): https://www.facebook.com/LyDaPotatooo
- Dương Trọng Nghĩa (chuyên gia Landing Page): https://www.facebook.com/nghiakkcom
- Dương Thị Thanh Ngân (content gen Z): https://www.facebook.com/ThanhNganContent
Một số Group học trái ngành làm marketing nên tham gia:
Group là nơi học hỏi rất tốt, vì ở đó tập trung nhiều người giỏi. Hãy chăm chỉ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, sau ngày có kinh nghiệm rồi thì chia sẻ lại để vừa tạo thương hiệu cá nhân cho bản thân, vừa mang lại giá trị cho Group – nơi mà bạn đã học free được nhiều thứ trước đó.
- https://www.facebook.com/groups/tamsu.content
- https://www.facebook.com/groups/advertisingvietnam
- https://www.facebook.com/groups/Vietnammarketingcommunicationsclub/
- https://www.facebook.com/groups/OnlineMarketingVN/
- https://www.facebook.com/groups/MarketERs4L/
- https://www.facebook.com/groups/CongDongDigitalMarketingVNN/
- https://www.facebook.com/groups/dcgr.tiktok/
Học chút chút rồi mạnh dạn đi làm đi nha. Kiểu vừa học vừa hành nó mới nhớ, mới ngấm được. Vì mình là người học trái ngành làm Marketing, chưa có kinh nghiệm nên chịu khó làm intern, thực tập, học việc,…. Chấp nhận lương thấp ban đầu để có nơi thực hành rồi dần dần sẽ ổn. Cố lên!