Mình từng không biết gì về Digital Marketing cho đến khi bước vào nghề. Mình cũng biết đến Facebook, Website, Instagram, Youtube nhưng chỉ nghĩ đơn giản đó là các kênh mạng xã hội để giải trí, kết nối. Nhưng hóa ra chúng chính là kho báu nếu biết sử dụng đúng cách. Với Doanh nghiệp nhỏ thì việc sử dụng các kênh Digital Marketing là cần thiết vì nó tiếp cận khách hàng nhanh, mang lại kết quả gần như ngay lập tức và ngân sách có thể chỉ từ số 0.
Sự ra đời của các kênh Digital Marketing dần dần chi phối và chiếm ‘spotlight’ ở tất cả các ngành nghề. Nếu thời điểm hiện tại doanh nghiệp của bạn vẫn chưa có một kênh Marketing online nào thì rõ ràng là bạn đang đi chậm quá xa so với thị trường. Ngay cả các ngành có vẻ chẳng cần thiết đến Marketing như xây dựng, kết cấu công trình, hay nông nghiệp thì cũng cần có ít nhất một kênh Digital Marketing dù bạn không chạy bất cứ chiến dịch Marketing nào. Đơn giản vì một kênh Marketing online cũng giúp thể hiện tính công khai, minh bạch của một doanh nghiệp, và điều này là cần thiết trong quá trình khách hàng đi đến quyết định mua hàng.
Các kênh Digital Marketing cơ bản cần biết
Hiện nay có rất nhiều kênh Digital Marketing để lựa chọn, có thể khiến bạn hoa mắt chóng mặt khi không biết bắt đầu từ đâu, hay lựa chọn dựa trên tiêu chí gì. Nếu không chạy quảng cáo thì ngân sách hoạt động cho các kênh này cũng khá thấp, thậm chí miễn phí nên sự cạnh tranh về nội dung cũng rất cao. Khiến cho một người mới gia nhập sẽ không biết phải làm gì, lựa chọn đâu mới là kênh phù hợp và hiệu quả với mình giữa biển nội dung được làm mới mỗi giờ, mỗi ngày.
Dưới đây là các kênh Digital Marketing cơ bản và thông dụng mà mọi Marketer đều cần biết dù có sử dụng hay không.
1. Website – Kênh Digital Marketing nền tảng
Trong tất cả các kênh Digital Marketing thì Website là kênh duy nhất mà chúng ta được sở hữu. Tức chúng ta có gần như toàn quyền với website của mình, không cần phải dựa trên chính sách của các nhà cung cấp kênh, bị hạn chế và mất kiểm soát trong nhiều trường hợp.
Website chính là nền tảng của các hoạt động Digital Marketing và cũng là một kênh Digital Marketing vô cùng hiệu quả. Khó để tìm thấy một doanh nghiệp nào không có website của riêng mình vì website giống như một tài sản chứng tỏ sự tồn tại và hoạt động của doanh nghiệp.
Việc xây dựng một website cũng không còn quá khó khăn, nếu không phải các doanh nghiệp lớn với khối lượng nội dung lớn, hay yêu cầu về tính bảo mật thì các doanh nghiệp nhỏ hoàn toàn có thể tự xây dựng website một cách dễ dàng. Các nền tảng như Wordpress, Wix giúp cho việc xây dựng website trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Với website chúng ta có thể tận dụng một trong các công nghệ hiệu quả và miễn phí cho hoạt động Marketing là SEO (Search Engine Optimization), hoặc làm nền tảng cho các chiến dịch quảng cáo digital khác.
2. Search Engine Marketing (SEM) – Kênh Digital Marketing trả phí
Khác với SEO là hoạt động dựa trên công cụ tìm kiếm từ khóa một cách miễn phí, thì SEM cũng hoạt động tương tự nhưng cần trả phí.
Hoạt động SEM phổ biến là chạy quảng cáo với Google Ads. Đối với những website mới hoạt động chưa thể lên top tìm kiếm dựa vào SEO thì SEM là một lựa chọn nên cân nhắc. Bạn sẽ cần lựa chọn từ khóa phù hợp, bao gồm từ khóa chính và các từ khóa phụ (long-tail keyword), sau đó tạo ra một chiến dịch Google Ads dựa trên cơ chế đấu thầu giá của từ khóa. Nếu ngân sách cao thì có thể quảng cáo của bạn sẽ có cơ hội lên top cao hơn. Tuy nhiên ngân sách không quyết định mọi thứ khi mà nội dung website và từ khóa không có sự liên quan sẽ khiến cho điểm chất lượng giảm đi, hiệu quả quảng cáo thấp sẽ tương đương với việc “đốt tiền” cho Google.
Tuy nhiên thì đây vẫn là một trong các kênh mà doanh nghiệp nhỏ nên cân nhắc sử dụng, vì để SEO lên top cho một website mới là một việc không hề đơn giản và cần nhiều thời gian.
3. Social Media Marketing – các kênh mạng xã hội
Các mạng xã hội là kênh Digital Marketing hiệu quả và phổ biển, vì nó tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp và liên tục. Tỉ lệ người sử dụng mạng internet và mạng xã hội là rất lớn, đó chính là một nơi dễ dàng để tìm kiếm khách hàng của bạn mà không cần phải chờ họ tìm kiếm như trên Website. Tuy nhiên vì là chơi trên sân khách, mọi tài khoản của chúng ta đều chịu sự chi phối của các nhà cung cấp dịch vụ này nên luôn cần phải tuân thủ mọi nguyên tắc của họ. Đôi khi có tiền cũng không quảng cáo được chỉ vì “chủ nhà” vừa thay đổi luật chơi nào đó mà chúng ta chưa kịp cập nhật.
Một số mạng xã hội phổ biến hiện nay và các hoạt động Digital Marketing cơ bản có thể thực hiện trên các nền tảng đó như sau:
Kênh mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng như có lượng người sử dụng lớn nhất tại Việt Nam. Facebook không chỉ là nơi hoạt động của cá nhân, bằng việc chia sẻ những hoạt động trong cuộc sống mà còn là một cái “chợ” để bạn có thể bán bất cứ thứ gì bằng chính trang cá nhân của mình. Trang cá nhân thì không thể quảng cáo nên chỉ có thể bán hàng bằng content chất lượng, đặc sắc đủ sức thu hút và giữ chân khách hàng hoặc bạn cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân trước, để từ đó tạo dựng sự tin tưởng và thuận lợi hơn trong việc bán hàng về sau.
Doanh nghiệp thì cần lập một fanpage, lấy tên của công ty hay thương hiệu cần sử dụng để bán hàng. Fanpage sẽ cần cập nhật đầy đủ các thông tin cơ bản của công ty như địa chỉ, số điện thoại, giờ hoạt động, các mục sản phẩm với giá niêm yết,…. Fanpage có thể dùng để chạy quảng cáo, khác với SEM của Google Ads thì Facebook Ads sẽ dựa trên việc nhắm mục tiêu vào một nhóm đối tượng khách hàng, theo các hành vi, thói quen hoạt động trên Internet.
Đây là một mạng xã hội được giới trẻ ưa thích vì nó đáp ứng nhu cầu nội dung về hình ảnh cho người dùng. Nếu Facebook đa dạng về các loại nội dung thì Instagram thiên về hình ảnh. Kênh này phù hợp với các ngành hàng về thời trang, làm đẹp, mỹ phẩm vì ưu tiên hình ảnh đẹp, bắt mắt. Instagram cũng là một kênh phù hợp để làm thương hiệu cá nhân khi bạn muốn trở thành KOL trong các lĩnh vực như trên.
Ngoài ra Instagram cũng đã “về chung một nhà” với Facebook nên khi bạn đăng bài từ một trong hai kênh sẽ có thể tích hợp để đồng thời đăng trên kênh còn lại, khá tiện lợi và mang tính liên kết kênh cao.
Youtube
Đây được biết đến là một kênh kiếm tiền qua số lượt view trên mỗi video. Tuy nhiên Youtube luôn có một chỗ đứng nhất định trong thế giới Digital Marketing, mang lại chuyển đổi cao. Đôi khi nội dung bạn cần truyền tải đến khách hàng qua chữ và hình ảnh không đủ để thể hiện được hết thông điệp thì video là một lựa chọn hoàn hảo. Trong khi Facebook cũng phát triển trình phát video, thậm chí bật kiếm tiền bằng video tương tự, nhưng không thể chối cãi Youtube vẫn luôn là top trong việc truyền tải thông điệp bằng cả hình ảnh lẫn âm thanh.
Thay vì phải sử dụng các khung giờ quảng cáo TVC đắt giá trên truyền hình thì giờ đây mọi doanh nghiệp đều có thể tạo ra TVC cho riêng mình và quảng bá nó trên Youtube. Nếu có thể tạo ra một nội dung hay và thu hút, đặc biệt gợi nhắc và gây ấn tượng về thương hiệu thì việc video trở nên viral cũng đồng nghĩa với việc thương hiệu của bạn được tiếp cận và nhận diện một cách hiệu quả.
Tiktok
Ngoài đại diện về video là Youtube thì có một ngôi sao mới nổi và có sức phát triển cũng như nhiều cơ hội tiềm năng mới, đó là Tiktok.
Khác với Youtube nội dung là các video dài, mang tính cung cấp thông tin sâu và cần đầu tư về chất lượng video tốt nhất. Thì Tiktok lại là kênh với các nội dung là video ngắn, từ 15 giây đến 3 phút (cập nhật mới nhất, trước đó chỉ tối đa 60s). Kênh này mang đến nội dung “ăn liền”, và việc sản xuất nội dung cũng thường khá đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều với các ứng dụng hỗ trợ từ chính nhà cung cấp.
Việc có lượng follower tăng lên vài trăm nghìn đến vài triệu chỉ sau 1 đêm là chuyện bình thường ở huyện trên Tiktok, nếu nội dung hay, “cắn” suggestion thì rất nhanh chóng tạo viral trong thời gian rất ngắn. Tiktok từng chỉ là một kênh giải trí, bắt trend, nhưng gần đây các nội dung có giá trị cao hơn càng xuất hiện nhiều hơn. Tiktok cũng trở thành một kênh Digital Marketing hiệu quả với việc lượng người sử dụng rất lớn, khối lượng nội dung có thể thu nạp rất cao nên tỉ lệ xuất hiện cũng cao hơn rất nhiều so với các kênh khác.
Note: Mình thường thấy nhiều bạn đưa Zalo vào trong danh sách các kênh Digital Marketing, nhưng với mình thì đó chỉ là một kênh để liên lạc thuần túy. Giống như Skype, Wechat, Viber,… Các hoạt động trên Zalo thường mang tính “ăn liền” như đăng bài bán hàng trên tài khoản cá nhân là chủ yếu . Tuy nhiên đây cũng là một “kỳ lân” công nghệ của Việt Nam, và hầu như ai cũng có tài khoản Zalo từ người già đến người trẻ, từ thành thị đến nông thôn. Và nếu bạn muốn thử sử dụng kênh này như một kênh Digital Marketing thì hiện Zalo cũng đang hoàn thiện phần quảng cáo tương tự như Facebook.
4. Email Marketing
Tại Việt Nam Email Marketing thường bị coi nhẹ vì tỉ lệ người dùng có thói quen sử dụng email thấp. Tuy nhiên những năm trở lại đây Email đã lấy lại được vị thế của mình là một trong những kênh Digital Marketing hiệu quả và mang tính chuyên nghiệp.
Đây sẽ là kênh phù hợp với các ngành nghề B2B, khách hàng là doanh nghiệp và sử dụng email thường xuyên. Việc gửi email về các chiến dịch khuyến mãi cũng mang lại hiệu quả chuyển đổi cao. Ngoài ra email marketing còn là một mắt xích quan trọng trong hành trình mua hàng: khi khách hàng đã cho hàng vào giỏ nhưng chưa thanh toán thì việc gửi email nhắc khách hàng hoàn tất hành động là điều cần thiết.
Nên sử dụng Email Marketing qua các nhà cung cấp dịch vụ Email chuyên nghiệp để có thể tận dụng tối đa các tính năng và giá trị mà Email Markeitng mang lại. Một vài nhà cung cấp dịch vụ phổ biến và uy tín như MailChimp, GetResponse với việc đăng ký và sử dụng khá đơn giản. Chuyên nghiệp và yêu cầu số lượng mail cao hơn thì có Amazone SES nhưng hệ thống này yêu cầu về kỹ thuật cao hơn các nhà cung cấp khác, sẽ khó sử dụng cho người mới.
5. Content Marketing
Hiểu đơn giản thì đó chính là nội dung được truyền tải trong các hoạt động Marketing. Tất cả các kênh Digital Marketing đều cần có Content Marketing.
Tại sao Content Marketing lại là một kênh riêng trong khi nó chỉ là một phần được sử dụng trong các kênh Digital Marketing còn lại? Bởi vì Nội dung chính là trái tim của mọi chiến dịch Marketing. Bạn vẫn thường nghe “Content is King” đúng chứ? Nếu việc sử dụng các kênh Digital Marketing mang tính kỹ thuật và thuật toán nhiều, thì Content Marketing xuất phát từ ý tưởng, từ đó xây dựng nên các dạng content khác nhau phù hợp với các kênh khác nhau. Một Nội dung trở nên viral đôi khi chỉ bằng 1 câu ngắn ngủn, 1 bức tranh vẽ nguệch ngoạc, 1 đoạn GIF chưa đến 5 giây. Quan trọng là câu chuyện và ý nghĩa của nội dung đó mang lại là gì, phù hợp với tệp khách hàng.
Content cũng là một kênh được sử dụng từ rất lâu trong các chiến dịch Marketing truyền thống. Không phải cứ hiện diện nhiều là đạt hiệu quả về Marketing, chính câu chuyện mà thương hiệu mang đến qua từng hoạt động tiếp thị mới mang lại thành công cho từng chiến dịch, đó là giá trị của Content Marketing.
Content Marketing thậm chí trở thành một nghề, có vị trí ngang hàng với vị trí Digital Marketing. Tuy nhiên là một Marketer thì việc biết và sử dụng được tất các công cụ này là một lợi thế cần thiết.
Kênh Digital Marketing nào hiệu quả nhất?
Kênh Digital Marketing nào hiệu quả nhất còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mục tiêu bạn muốn đạt được, hay ngân sách bạn có thể chi trả, hoặc nguồn lực, khả năng của bạn có thể đáp ứng yêu cầu của kênh nào. Có thể kênh này là phù hợp và hiệu quả với doanh nghiệp này, nhưng với doanh nghiệp khác thì không. Vì vậy không có kênh Digital Marketing hiệu quả nhất, chỉ có kênh Digital Marketing phù hợp nhất mà thôi.
Bước đầu tiên, hãy xác định kênh Digital Marketing nào bạn có thể và nên hoạt động, kênh nào là không cần thiết hoặc bạn không đủ khả năng để thực hiện. Việc này giúp tối ưu nguồn lực, tiết kiệm thời gian và giúp bạn tập trung vào kênh phù hợp hơn là làm tràn lan ra tất cả các kênh.
Hãy trả lời các câu hỏi theo 2 bước sau để tìm ra được kênh Digital Marketing phù hợp cho mình:
Câu hỏi 1: Bạn muốn đạt được mục tiêu gì trong các hoạt động Marketing của mình?
Với doanh nghiệp, mình thường chia ra 2 mục tiêu lớn trong hoạt động Marketing của công ty mình là Branding và Sale, từ đó có được 2 nhóm kênh truyền thông chính như sau:
- Branding: Khi muốn nhận diện thương hiệu mạnh mẽ hơn thì sẽ sử dụng các kênh truyền thông mang tính đại chúng như bài PR trên báo, quảng cáo trong thang máy, TVC….
- Sale: Khi muốn khách hàng của mình thực hiện một hành động gì đó như tương tác, trò chuyện, để lại thông tin hay mua hàng thì cần sử dụng các kênh mang đến sự tiếp cận một cách cá nhân hóa như Facebook, Instagram, Website, … cùng các chiến dịch hướng đến việc ra quyết định đi kèm CTA (Call to action).
Thực ra với các doanh nghiệp nhỏ thì ngân sách cho Marketing thường rất nhỏ nên việc làm Branding thường không được ưu tiên. Có thể bạn cũng đã nhận ra được tầm quan trọng của việc làm thương hiệu nhưng vấn đề đó là cả một quá trình, và thường không mang lại kết quả ngay lập tức. Mà doanh nghiệp nhỏ thì luôn cần “sống sót” trước đã. Và việc gì có thể ra doanh thu ngay thì sẽ được tận dụng hơn là việc bỏ rất nhiều tiền xây dựng thương hiệu hay lan tỏa thông điệp như các công ty lớn vẫn đang làm năm này qua năm khác. Vì vậy lựa chọn đầu tiên nếu là một người mới, một doanh nghiệp nhỏ vừa gia nhập thị trường thì nên đặt mục tiêu Sale cho hoạt động Marketing.
Nghe hơi ngốc nghếch, vì bạn biết rằng bán hàng là việc của Sale, tại sao Marketing lại phải chịu trách nhiệm cho việc đó? Nhưng nghe này, Marketing giỏi phải kiếm được tiền, nó không chỉ là tên một tựa sách, nó chính là tuyên ngôn bất di bất dịch trong thời đại hiện nay. Và nó cũng chính là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với một doanh nghiệp nhỏ. Nên hiểu rằng không phải Marketing cũng làm các nghiệp vụ như Sale để bán hàng. Marketing sẽ là bước pre-sale, giúp sale có được Lead, từ đó biến đó thành khách hàng. Chứ theo bạn Sale kiếm khách từ đâu ra nếu chỉ dựa vào các mối quan hệ? Thuật ngữ “data” chính là để chỉ những danh sách khách hàng tiềm năng để sale chăm sóc, và một trong các cach có được data đó chính là từ Marketing.
Câu hỏi 2: “Khách hàng mục tiêu của bạn xuất hiện ở đâu, và họ cần tìm kiếm thông tin như thế nào?”
Để làm được việc này thì cần thiết đầu tiên là hiểu khách hàng, có phân khúc khách hàng một cách chi tiết. Vì bạn không thể bán hàng cho tất cả mọi người, bạn chỉ có thể bán hàng cho một tệp nào đó. Việc này có thể dựa trên các thông tin về nhân khẩu học như nơi ở, độ tuổi, giới tính…, hoặc các thông tin về thu nhập, ngành nghề…. Vì mỗi sản phẩm sẽ có mức giá khác nhau, công dụng khác nhau, giá trị khác nhau và không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng, hay đủ điều kiện mua sản phẩm đó.
Có nhiều ý kiến khác nhau nhưng theo mình chỉ nên tập trung tối đa không quá 3-4 kênh. Bởi vì nguồn lực của doanh nghiệp nhỏ thường rất hạn chế, nếu chạy quá nhiều kênh khác nhau bạn sẽ có thể không tạo ra được các nội dung có giá trị, cũng như hoạt động đa kênh sẽ tốn nhiều ngân sách hơn. Tất nhiên nếu có thể hoạt động đa kênh thành công thì đồng nghĩa với việc thương hiệu của bạn được hiện diện nhiều nơi hơn, tiếp cận nhiều khách hàng hơn.
Ví dụ: Công ty mình hoạt động trong lĩnh vực Văn phòng chia sẻ, khách hàng là B2B – tức là quá trình tiếp cận và đi đến mua hàng giữa 2 doanh nghiệp, khác với B2C là giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân (nếu là co-working thì sẽ có B2C). Quá trình tìm kiếm thông tin, tư vấn và hoàn tất thủ tục hợp đồng thường qua khá nhiều bước vì cần thông qua nhiều vị trí, cấp bậc mới đi đến quyết định cuối cùng, giá trị mỗi hợp đồng cũng khá cao. Vì vậy khách hàng của công ty mình sẽ cần xuất hiện nhu cầu của họ trước, sau đó họ mới tìm kiếm thông tin và cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, họ thường không chịu tác động từ các chiến dịch quảng cáo hay xu hướng cộng đồng nên các kênh Social không có nhiều giá trị lắm.
- Website là kênh để cung cấp thông tin công khai và đầy đủ sẽ luôn cần xây dựng và đẩy mạnh hoạt động với các chiến dịch quảng cáo Google Ads hay SEO để khi khách hàng tìm kiếm lần đầu tiên trên Google là mình sẽ có khả năng tiếp cận đến.
- Cần có một Fanpage để cập nhật các thông tin về khuyến mại, các hoạt động tương tác hướng đến khách hàng để tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất trên mạng xã hội Facebook, cũng như để chạy quảng cáo cho các chiến dịch push sale cùng với Google Ads.
- Mình dùng Email Marketing để chăm sóc khách hàng định kỳ; gửi cập nhật Blog vừa để tạo traffic cho website, vừa để giữ chân khách hàng; đồng thời gửi các thông tin về chương trình khuyến mãi và quà tặng khi có chiến dịch cũng trở nên cá nhân hóa và tiếp cận khách hàng trực tiếp hơn.
- Với đặc thù và mục tiêu của công ty mình nên mình không lựa chọn các kênh như Instagram, Tiktok vì khách hàng của mình không ở trên các kênh đó, họ không tìm kiếm thông tin về sản phẩm của mình ở đó.
Hi vọng các kiến này thức này giúp bạn có một cái nhìn cơ bản đầu tiên về thế giới Digital Marketing nói chung, và hoạt động trên Digital Marketing tại các doanh nghiệp nhỏ nói riêng. Mình sẽ tiếp tục chia sẻ về hành trình và hoạt động Marketing tại doanh nghiệp nhỏ trong các bài viết tiếp theo.