Khi nhắc đến nhận diện thương hiệu, thông thường chúng ta sẽ nghĩ ngay đến những hình ảnh liên tưởng như Logo, tên gọi, slogan, biển hiệu,… Tuy nhiên trên thực tế, một bộ nhận diện thương hiệu đầy đủ còn cần nhiều hơn “phần hình” mà chúng ta có thể thấy bằng mắt đó. Thương hiệu rất quan trọng đối với bất cứ một business nào. Để thương hiệu có thể định vị trên thị trường, ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng thì cần phải hội tụ đủ “phần hình” và “phần tiếng”. Hai thứ đó cần đồng nhất và có sự liên quan chặt chẽ với nhau.
Tại sao nhận diện thương hiệu lại quan trọng?
Ví dụ 1: Mình từng bị ăn cắp content, thậm chí còn lấy content của mình chạy quảng cáo (vì thế mà mình mới biết). Động thái của mình đơn giản là liên hệ yêu cầu gỡ xuống thôi và họ cũng chấp nhận xin lỗi không giằng co, vì mình có đủ bằng chứng chứng minh content họ giống đến 98% content của mình.
Ví dụ 2: Có một business nhỏ tự viết content (chữ) nhưng thuê agency thiết kế hình ảnh, sau đó thì bị một bên A tố copy. Khi nhìn 2 hình ảnh thì đúng là chẳng thể nói bên nào copy bên nào được vì màu sắc na ná, content không có gì đặc biệt, thiết kế theo một form chung phổ biến, cùng một font chữ trong Canva. Vì bạn đó chỉ viết phần content trong ảnh (mà content lại không có gì unique cả), thiết kế thì đi thuê agency nên ko chủ động, cũng không có yêu cầu đặc biệt, lại là người post sau nên để đơn giản nhất thì sorry 1 câu rồi xoá ảnh đó. Lấy đó làm bài học cho việc cần có một bộ nhận diện thương hiệu riêng, có bộ nhận diện riêng thì dù tự làm hay thuê ngoài vẫn thống nhất và có cơ sở để yêu cầu làm theo ý mình thay vì “đem con đẻ mình cho người khác nuôi.”
Ví dụ 3: Hình ảnh dưới đây là một ví dụ về việc đạo nhái ý tưởng, vấn đề là một Brand siêu lớn lại đạo nhái ý tưởng của một cá nhân. Nhưng bởi vì ý tưởng cá nhân quá độc đáo và gắn với thương hiệu cá nhân của tác giả nên dù có bị đạo nhái bởi một brand lớn thì cũng sẽ bị phát hiện và không thể chối cãi.
Content mang tính cá nhân, cảm tính với mục đích kích thích tình cảm của khách hàng với thương hiệu thì không nói, bê y nguyên thì lộ mà sửa thì không còn đúng chất. Nhưng những content mang tính kỹ thuật, tức là liệt kê ra công dụng và tính năng của sản phẩm, dịch vụ thì thường khó để nói rằng ông copy của tôi hay tôi đi copy của người khác. Vấn đề là mình có gì đó riêng trong loại content dùng chung đó không?
Lúc này chính khi nhận diện thương hiệu thể hiện được tầm quan trọng của nó.
Nếu không có nhận diện thương hiệu thì mọi content đều chỉ “na ná” nhau mà thôi.
Nhận diện thương hiệu bao gồm những gì?
“Phần hình” trong bộ nhận diện thương hiệu
Một thương hiệu luôn cần có những yếu tố về “phần hình” như sau để hiện diện và tạo nên sự ghi nhớ về hình ảnh trong tâm trí khách hàng. Các yếu tố nằm trong phần hình của nhận diện thương hiệu là:
- Logo
- Sogan
- Tên thương hiệu
- Màu sắc chủ đạo
- Font chữ đặc trưng
Tùy vào những mục đích khác nhau mà các phần hình này sẽ được ứng dụng và các vị trí, cách thể hiện với sự nhận biết khác nhau như:
- Nhận diện văn phòng: biển tên công ty, thẻ tên nhân viên, đồng phục nhân viên, màu sắc nội thất,…
- Nhận diện truyền thông: ấn phẩm quà tặng, ấn phẩm truyền thông (standee, banner, brochure,…)
- Nhận diện không gian: biển tên, gian hàng, quầy trưng bày,…
Khi xuất hiện trong mục đích truyền thông, nhận diện thương hiệu sẽ cần đáp ứng đầy đủ 5 yếu tố ở trên trong một nội dung truyền thông để đảm bảo truyền tải được hình ảnh đúng về thương hiệu đến người xem.
“Phần tiếng” trong bộ nhận diện thương hiệu
Ngoài việc nhận diện thương hiệu được thể hiện qua logo, màu sắc chủ đạo và thiết kế theo một chuẩn mực nhất định thì còn cần có “phần tiếng” – giọng nói thương hiệu, yếu tố quyết định đến cảm nhận của khách hàng đối với thương hiệu. Gọi là ‘brand voice’.
‘Brand voice’ dịch ra là giọng nói của thương hiệu. Thương hiệu có biết “nói” không? Có chứ! Không phải kiểu nói phát ra âm thanh, mà giọng nói ở đây là cái tính cách của thương hiệu thể hiện qua content như thế nào.
Hãy trả lời các câu hỏi này để xác định Brand voice của thương hiệu.
- Thương hiệu của bạn nếu hiện diện trước công chúng sẽ là hình mẫu như thế nào?
- Nếu nhân hóa thương hiệu như một con người, họ sẽ có những đặc điểm tính cách nào?
- Những cụm từ và phong cách nào mà thương hiệu của bạn sẽ sử dụng một cách nhất quán?
Tất cả những điều trên kết hợp để tạo ra “phần tiếng” – giọng nói thương hiệu. Tông giọng này được áp dụng cho mọi kênh truyền thông mà thương hiệu sử dụng bao gồm bản tin, bài đăng trên mạng xã hội, thông báo nội bộ và các sản phẩm quảng cáo của công ty.
Logo, bộ nhận diện khi áp vào một cá nhân thì sẽ là phần nhìn bao gồm gương mặt, kiểu tóc, gu thời trang… Còn ‘voice’ của thương hiệu chính là phần “nghe”, phần cảm nhận về tính cách, cách đối nhân xử thế của một người.
Làm sao để hài hòa “phần hình” và “phần tiếng” trong nhận diện thương hiệu?
Việc này yêu cầu thương hiệu phải có định hướng rõ ràng ngay từ ban đầu trong việc xác định “tính cách” của mình. Có thể dựa theo tính cách của Founder, hay có thể đó là một tính cách nào đó mà thương hiệu muốn hướng đến.
Giống như con người thì mỗi tính cách, ngoại hình, nghề nghiệp sẽ phù hợp với những đặc điểm riêng. Thương hiệu cũng có những quy tắc tự nhiên tương tự như vậy.
Ví dụ, thương hiệu MSpace mình đang quản lý, định vị là một thương hiệu cho thuê văn phòng với dịch vụ tốt và giá hợp lý(không phải giá rẻ).
- Phần hình thì logo có chữ M tạo hình như một mái nhà với màu thương hiệu là xanh lá thiên vàng dễ chịu, các thiết kế thì chủ yếu là đường thẳng đơn giản, rõ ràng, tạo ra cảm giác thoải mái, đơn giản và hiệu quả.
- Brand voice – phần tiếng của MSpace là đơn giản, được việc, chuyên nghiệp, tận tâm nên nội dung content thường tập trung mang đến những chia sẻ hữu ích hơn là nói quá nhiều về sản phẩm và dịch vụ. Nếu quy về con người thì giống như một người trợ lý kiệm lời nhưng luôn làm việc hiệu quả với sự tâm huyết với nghề.
Ghi nhớ về nhận diện thương hiệu
Xây dựng nhận diện thương hiệu bao gồm:
- Bộ nhận diện về phần hình: Logo, màu sắc, phong cách thiết kế…
- Bộ nhận diện về phần tiếng: Tính cách, giá trị, cảm xúc…
Dù là cá nhân hay doanh nghiệp thì thương hiệu luôn quan trọng. Việc có một bộ nhận diện tốt, khả thi để triển khai và mang đến một sự khác biệt của thương hiệu (không phải khác biệt sản phẩm) thì sẽ có lý do để khách hàng nhớ đến về lâu dài, thay vì chộp giật và chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt.