Quảng cáo luôn hiện hữu trong mọi lĩnh vực cuộc sống, mặc dù đôi khi chúng ta không nhận ra hoặc lầm tưởng. Quảng cáo là gì? Làm Marketing có cần biết về quảng cáo không? Quảng cáo và Marketing có liên quan gì đến nhau? Đôi khi chỉ là những câu hỏi đơn giản nhưng chúng mình là chưa từng nghĩ đến câu trả lời. Vậy thì cùng tìm hiểu ở trong bài này nhé!
Quảng cáo là gì?
Từ điển Tiếng Anh giải thích danh từ Advertisement là: a notice or announcement in a public medium promoting a product, service, or event or publicizing a job vacancy. Nghĩa là một hình thức thông báo trên các phương tiện truyền thông công cộng nhằm thúc đẩy, nâng cao hình ảnh của một sản phẩm, dịch vụ hoặc các sự kiện, đôi khi còn để tuyển dụng một vị trí công việc.
Theo Wikipedia thì Quảng cáo là một hình thức truyền thông tiếp thị sử dụng thông điệp được tài trợ công khai, phi cá nhân để quảng bá hoặc bán sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng. Nhà tài trợ quảng cáo thường là các doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Theo kinh nghiệm chạy quảng cáo nhỏ bé của mình thì Quảng cáo là các hoạt động nhằm hỗ trợ cho việc bán hàng, tăng doanh số một cách nhanh hơn, thuận lợi hơn bằng cách chi tiền cho các công cụ, phương tiện để mở rộng quy mô ảnh hưởng, tăng tần suất xuất hiện trước khách hàng nhằm thúc đẩy hành vi mua hàng của họ.
Tuy nhiên thì đúng như giải nghĩa tiếng anh từ Advertisement, Quảng cáo không chỉ áp dụng trong việc bán hàng, mà còn được áp dụng trong cả việc tuyển dụng, khi càng ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng đã bắt đầu đầu tư quảng cáo để có thể tiếp cận nhiều ứng viên hơn, tăng khả năng tuyển được ứng viên có chất lượng cao và phù hợp với công việc hơn.
Ngoài ra các sự kiện phi lợi nhuận như các chiến dịch tuyên truyền về phòng chống Covid-19, hay khuyến khích người dân tiêm vaccine cũng có sử dụng quảng cáo. Nhà tài trợ có thể là cơ quan Nhà nước với ngân sách nhà nước, nhưng cũng có thể là một nhà tài trợ nào đó cũng với mục đích để thương hiệu của họ hiện diện nhiều hơn, tăng sự tin cậy để phục vụ cho mục đích thương mại.
Quảng cáo và Marketing khác gì nhau?
Nếu coi Marketing là một chiếc bánh, thì Quảng cáo là một miếng bánh quan trọng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng nằm trong cùng một đĩa bánh. Nó có thể là một phần tạo nên một chiếc bánh hoàn hảo, nhưng đôi khi không có mợ thì chợ vẫn đông, tuy nhiên nếu như có mợ thì khả năng chợ đông thường rất cao.
- Marketing là quá trình phát hiện ra nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, dựa trên những nền tảng sản phẩm, dịch vụ mà chúng ta đang có. Marketing sẽ bao gồm các bước nghiên cứu, phân tích, lên kế hoạch, chiến lược, phân bổ ngân sách, đo đạc, thống kê, tối ưu… trên nhiều kênh và phương thức khác nhau, để đảm bảo rằng ngân sách được chi ra mang lại lợi nhuận.
- Quảng cáo sẽ là việc thực thi những kế hoạch, chiến lược mà Marketing đã đề ra, biến nó thành những hành động cụ thể, nhằm tiếp cận khách hàng nhiều hơn, thúc đẩy mạnh hơn và đạt được mục đích cuối cùng của một kế hoạch Marketing. Quảng cáo là một hoạt động tốn phần lớn ngân sách của Marketing vì vậy đây là một hoạt động quan trọng được ưu tiên nghiên cứu, phân tích để quyết định có được đầu tư trong mỗi chiến dịch hay không.
Quảng cáo có cần thiết để xuất hiện trong một kế hoạch Marketing hay không còn phụ thuộc vào chiến lược Marketing đó có cần thiết phải sử dụng đến Quảng cáo hay không. Nghiên cứu là bước đầu tiên và quan trọng trong bất kỳ kế hoạch Marketing nào vì nó sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc mà chúng ta cần để thực hiện các chiến dịch một cách hiệu quả. Chỉ khi đã hiểu thị trường và khách hàng của mình, chúng ta mới có thể xác định được những hoạt động gì là cần thiết để đạt được mục tiêu của kế hoạch. Lúc này, nếu trong kế hoạch đó cần đến quảng cáo thì quảng cáo mới có thể thực hiện công việc của mình.
Nếu chưa có một kế hoạch và chiến lược Marketing đúng đắn và bền vững mà đã tập trung đổ tiền vào quảng cáo thì khả năng “ném tiền qua cửa sổ” là cực kỳ cao. Cái này mình từng trải rồi nên cứ phải gọi là kinh nghiệm nhớ đời.
Lợi ích Quảng cáo đem lại cho một kế hoạch Marketing
Quảng cáo là một hoạt động cần thiết trong các kế hoạch Marketing, giúp kế hoạch sớm đạt được mục tiêu hơn, và hiệu quả hơn. Có vô số lợi ích nếu có được một chiến dịch quảng cáo thành công.
Trước khi đi đến mục tiêu cuối cùng là bán hàng và lợi nhuận thì quảng cáo còn mang đến nhiều lợi ích sau:
- Giáo dục khách hàng về bản chất của sản phẩm hoặc dịch vụ
- Thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm hoặc dịch vụ là ưu việt
- Cải thiện nhận thức của khách hàng về thương hiệu hoặc văn hóa công ty
- Tạo ra nhu cầu hoặc mong muốn của khách hàng đối với các sản phẩm hoặc dịch vụ
- Ra mắt và tạo ra nhận biết với các sản phẩm hoặc dịch vụ mới
- Thu hút khách hàng mới mua sản phẩm hoặc dịch vụ
- Giữ chân và duy trì lòng trung thành của khách hàng hiện tại.
Các loại Quảng cáo phổ biến trong một kế hoạch Marketing
Tương tự như Marketing, có rất nhiều loại quảng cáo mà tùy vào ngành nghề, sản phẩm, hình thức kinh doanh để chúng ta có thể chọn một hoặc một số hoặc tất cả những loại quảng cáo sau:
-
Quảng cáo truyền thống:
Là các loại quảng cáo xuất hiện lần đầu tiên trong thế giới quảng cáo, nhưng vẫn còn giá trị nhất định đến tận bây giờ, lâu đời nhất là in ấn và gần hơn là truyền hình.
- Quảng cáo in ấn: Dù hiện nay báo giấy không còn được ưa chuộng và tiện lợi như báo mạng nhưng nó vẫn có chỗ đứng nhất định, và việc quảng cáo trên các trang báo giấy vẫn tồn tại và mang lại hiệu quả ở mức nào đó.
- Quảng cáo TVC truyền hình: là các đoạn quảng cáo ngắn từ 5s,15s, 30s được phát sóng xen kẽ các chương trình truyền hình. Quảng cáo truyền hình vẫn là một trong những hình thức quảng cáo “đắt giá” theo cả nghĩa về ngân sách và về giá trị nó mang lại. Ở kênh lượng có lượng người xem lớn, và ở khung giờ “vàng” thì giá trị của quảng cáo càng cao.
-
Quảng cáo Bán lẻ:
Áp dụng với các ngành hàng bán lẻ, FMCG, đặc biệt chúng ta hay thấy loại quảng cáo này nhất là trong các siêu thị, hoặc gần hơn là tại các tiệm tạp hóa cũng được các nhãn hàng tận dụng để quảng cáo sản phẩm, thương hiệu của mình.
- Vị trí sắp xếp sản phẩm, gian hàng: không phải ngẫu nhiên mà các sản phẩm trong siêu thị được sắp đặt như khi chúng ta thấy. Nó là một trong những chiến dịch quảng cáo của họ. Những hàng ở ngang tầm mắt có nhiều khả năng là những sản phẩm đang chạy chương trình với siêu thị để có thể nằm ở vị trí dễ nhìn thấy, dễ được mua nhất. Hoặc đó là những sản phẩm bán chạy nhất theo báo cáo của siêu thị và họ sắp đặt như vậy để thúc đẩy doanh số hơn nữa.
- Các booth dùng thử, trưng bày sản phẩm: cũng là một loại quảng cáo bán lẻ của các nhãn hàng khi muốn quảng bá sản phẩm mới, hoặc tiếp cận thị trường mới.
- Quảng cáo dán ở xe đẩy, quảng cáo thả trần trong siêu thị cũng chính là một loại quảng cáo bán lẻ mà chúng ta vẫn thường thấy.
-
Quảng cáo Trực tuyến – Online Ads, Digital Ads:
Quảng cáo trực tuyến là loại quảng cáo gần gũi và phổ biến nhất hiện nay. Thậm chí nhiều người lầm tưởng rằng đây là loại quảng cáo duy nhất vì tính phổ biến và hiệu quả của nó.
- Quảng cáo Mạng xã hội: qua các dạng bài đăng, cuộn hình ảnh, video, trải nghiệm tức thì… đều đã quá quen thuộc với chúng ta khi sử dụng các kênh MXH khi thấy ở phần dưới tên tài khoản bài đăng, thay vì là thời gian đăng thì sẽ là chữ “sponsored” hoặc “Được tài trợ”.
- Quảng cáo từ khóa: bằng cách tìm kiếm các từ khóa và thấy 3 bài đăng đầu tiên có chữ “AD” hoặc “QC”, một cuộc chiến thứ hạng cực kỳ khốc liệt và đắt đỏ.
- Quảng cáo hiển thị: Khi vào các trang web chúng ta sẽ thấy các quảng cáo hiển thị ở dạng link, hình ảnh, banner… tức trang web đó đủ điều kiện đăng ký Google Adsense và các quảng cáo sẽ hiển thị theo các thuật toán như remarketing, suggestion…
- Quảng cáo TVC online: là các quảng cáo được lồng trong các sản phẩm phim ngắn, âm nhạc… và thay vì phát sóng trên các kênh truyền hình thì được đăng trên các mạng xã hội, nổi bật là Youtube. Đây là loại quảng cáo được đón nhận nhiều hơn cả, vì nó trước tiên mang lại cho người xem mục tiêu giải trí nên họ sẽ không có cảm giác phản cảm hay phòng bị.
-
Quảng cáo trong phim – Product Placement:
Quẩng cáo trong phim là dạng quảng cáo dễ được đón nhận và mang lại hiệu quả cao khi đặt sản phẩm, dịch vụ trong các sản phẩm giải trí như Âm nhạc (MV), Phim truyền hình, Phim ngắn, Phim điện ảnh…
- Các MV, phim ngắn được đăng trên Youtube hoặc các mạng xã hội ngày càng được các thương hiệu sử dụng để quảng bá cho sản phẩm, dịch vụ của mình vì khả năng đạt hiệu ứng viral của các sản phẩm này là rất cao.
- Phim truyền hình, phim điện ảnh thường là lựa chọn của các thương hiệu lớn, bởi kinh phí tài trợ cho các dự án phim này thường rất cao. Đổi lại sản phẩm có thể được gắn với một diễn viên nổi tiếng, hay vai diễn lan truyền tốt thì hiệu ứng mang lại cũng rất lớn.
- Ví dụ: MV Đi về nhà của Đen Vâu và Justa Tee là một sản phẩm quảng cáo được đặt hàng bởi Honda, sản phẩm cụ thể là Xe máy Winner X. Tuy nhiên sản phẩm được đón nhận rất đông đảo và hầu như khán giả không hề cảm thấy khó chịu về sự xuất hiện của sản phẩm hay mục đích quảng cáo của MV.
-
Quảng cáo trên Điện thoại di động – Mobile Ads:
Quảng cáo trên điện thoại là các quảng cáo hiển thị và tích hợp trên điện thoại di động và điện thoại thông minh.
- Bạn nhận được một cuộc gọi và người đầu dây là… không ai cả. Là tổng đài giới thiệu về một sản phẩm mới hoặc thông báo cước nợ… Các cuộc gọi kiểu này thường là của nhà mạng, ngân hàng. Và chúng mình cũng chỉ nên tin tưởng khi biết chắc chắn đó là quảng cáo từ nhà mạng và ngân hàng mà thôi.
- Các loại quảng cáo trong App để tải trò chơi, ứng dụng khác cũng là một dạng Mobile Ads.
- Quen thuộc nhất chính là tin nhắn quảng cáo mà chúng mình vẫn nhận được mỗi ngày mà mỗi lần ting ting là một lần mừng hụt.
-
Quảng cáo ngoài trời:
Quảng cáo ngoài trời là việc đặt các vị trí quảng cáo ở ngoài trời, trên các công trình và có sự thể hiện nội dung rất lớn để thu hút người xem. Thường xuất hiện ở các nơi đông người, mật độ giao thông cao. Loại quảng cáo này không đo được hiệu quả nên thường mang mục tiêu nhận biết thương hiệu hơn là mục tiêu bán hàng.
- Biển quảng cáo, biển tên cửa hàng cũng chính là một loại biển quảng cáo ngoài trời.
- Biển quảng cáo dạng bạt, màn hình LED trên các vị trí như tháp quảng cáo, tòa nhà, cầu vượt tại các khu vực công cộng đông người như bến xe, ngã tư, quảng trường, công viên…
- Tờ phướn, banner treo ở cột đèn điện, trên đường hay cổng vào các khu TTTM…
- Quảng cáo dán trên các phương tiện công cộng như xe buýt, taxi hay các xe hợp đồng.
- Biển quảng cáo trong các TTTM, Rạp chiếu phim theo mình cũng thuộc loại biển báo ngoài trời.
Tổng kết: Quảng cáo và Marketing tuy khác nhau nhưng có sự liên quan mật thiết
Một chiến dịch, kế hoạch Marketing sẽ có thể đạt được hiệu quả nhanh hơn, tốt hơn khi có hoạt động Quảng cáo. Mặc dù khách hàng thường có xu hướng không tiếp nhận quảng cáo, tuy nhiên quảng cáo vẫn là một giải pháp Marketing hiệu quả nếu nó được đầu tư về nội dung và ý tưởng, có kế hoạch sử dụng ngân sách hợp lý và tiếp cận đúng đối tượng của sản phẩm, thương hiệu.
Xu hướng hiện đại là quảng cáo mà như không quảng cáo, để khách hàng không còn giữ thế phòng bị khi thương hiệu muốn tiếp cận khách hàng thông qua quảng cáo của mình.
Làm quảng cáo rất cần tư duy Marketing, không phải cứ đốt tiền là sẽ có hiệu quả. Tất nhiên cũng có trường hợp đốt nhiều tiền rồi sẽ tự rút ra kinh nghiệm mà đốt ít hơn. Nhưng có mấy ai nhiều tiền đến thế? Vì vậy cần có một chiến lược có thể thực thi, một kế hoạch cụ thể và mục tiêu rõ ràng trước khi xuống tiền cho quảng cáo.
Riêng ngành quảng cáo cũng có quá nhiều vị trí để cho các bạn trẻ có định hướng và lựa chọn. Nhập môn đến đây thôi. Hẹn chúng mình tìm hiểu sâu hơn ở các bài sau nhé!